Sự nghiệp Phạm Thị Hồng Yến

Giáo dục

Tháng 10 năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, Phạm Thị Hồng Yến được trường tuyển dụng làm giảng viên, bắt đầu sự nghiệp của mình ở đây. Thời gian đầu, bà là giảng viên Bộ môn Chính sách thương mại quốc tế, theo học cao học ở Hawaii những năm 1999–2001, trở về vào tháng 8 để tiếp tục dạy học, đồng thời tham gia Dự án Giáo dục Đại học của trường với vị trí cán bộ chuyên trách Văn phòng Dự án.[3] Ba năm sau, vào tháng 8 năm 2004, bà được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản lý dự án và Đảm bảo chất lượng, trở thành Tiến sĩ Kinh tế năm 2008, rồi được phong chức danh Phó Giáo sư ngành Kinh tế vào năm 2012. Trong những năm này, bà được điều chuyển vị trí, là Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, đồng thời là Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ trường Ngoại thương, giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương.[2] Trong những năm công tác ở trường, ngoài giảng dạy và quản lý giáo dục thì bà cũng tập trung nghiên cứu kinh tế, xuất bản các công trình khoa học, tác phẩm về thương mại quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, hiệp định thương mại tự do và đề xuất áp dụng cho Việt Nam.[6]

Chính trường

Tháng 1 năm 2014, sau hơn 15 năm giảng dạy ở Ngoại thương, Phạm Thị Hồng Yến được điều chuyển lên Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển từ viên chức sang công chức, nhậm chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp.[2] Bà được nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp, tức ngạch công chức cao nhất, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Ban Kinh tế Trung ương, Chi ủy viên Chi bộ Vụ Kinh tế tổng hợp, kiêm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban Thanh tra nhân dân của Ban Kinh tế Trung ương. Giữ vị trí này hơn 4 năm cho đến tháng 6 năm 2018, bà được điều tới tổ chức kinh tế – xã hội là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhậm chức Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Liên minh, và là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Ban Hợp tác quốc tế, Phó Chủ tịch Công đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.[7] Đầu năm 2021,[8] bà được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội từ Bình Thuận,[9] tại đơn vị bầu cử số 2 gồm thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân,[10] rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV với tỷ lệ 65,97%.[11][12] Đến ngày 21 tháng 7 cùng năm, bà được phê chuẩn làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời là Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Canada từ tháng 11 cùng năm.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phạm Thị Hồng Yến https://baucuquochoi.vn/nhan-su/pham-thi-hong-yen-... http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTbGQyWvvztS... https://binhthuan.gov.vn/Default.aspx?sid=1316&pag... https://web.archive.org/web/20230222143259/https:/... https://binhthuan.gov.vn/Default.aspx?sid=4&pageid... https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/992765/l... https://binhthuan.gov.vn/4/469/37057/597930/tin-ch... https://web.archive.org/web/20230217092833/https:/... https://snv.binhthuan.gov.vn/1316/32261/59149/5988... https://web.archive.org/web/20230222143307/https:/...